Chủ Nhật, Tháng 4 13Liên minh môi giới BIMGROUP

Sáp nhập tỉnh, bão thuế quan và thị trường bất

Sáp nhập tỉnh, bão thuế quan và thị trường bất động sản

Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết những địa phương nào có nền kinh tế tăng trưởng tốt sau sáp nhập tỉnh sẽ là yếu tố cốt lõi tác động tích cực đến thị trường bất động sản, giúp giá nơi đây ổn định và tăng trưởng bền vững hơn.

Chia sẻ tại sự kiện toàn cảnh thị trường bất động sản quý 1/2025 hôm 11/04, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định việc sáp nhập tỉnh là hướng đi đúng đắn.

Theo ông Quốc Anh cho biết Việt Nam có trung bình khoảng 1.6 triệu dân/tỉnh; trong khi các quốc gia có mật độ dân số cao hơn như Trung Quốc có 36 đơn vị cấp tỉnh và dân số bình quân mỗi tỉnh hơn 39 triệu người. Hay Indonesia có 38 đơn vị cấp tỉnh, dân số bình quân 7.4 triệu người. Còn Mỹ 50 đơn vị cấp tỉnh, dân số bình quân 6.8 triệu dân.

Như vậy, xét cách khách quan, số lượng đơn vị hành chính của Việt Nam hiện tại tương đối cao và mật độ dân số trên từng tỉnh đang thấp. Ông Quốc Anh cho rằng với số lượng tỉnh nhiều và mật độ dân số thấp thì việc vận hành chưa thực sự tối ưu. Việt Nam đã trải qua 7 lần sáp nhập và lần thứ 8 này dự kiến còn 34 tỉnh, thành.

Nguồn: Batdongsan.com.vn

Về tiêu chuẩn của một đơn vị hành chính, với các tỉnh không phải miền núi, dân số phải từ 1.4 triệu người trở lên, diện tích trên 5 ngàn km2 và có số lượng đơn vị hành chính từ cấp xã 9 đơn vị, trong đó có ít nhất một thị xã hoặc thành phố.

Nếu xét theo tiêu chuẩn này, trong 63 tỉnh, thành chỉ có 14 đơn vị đủ tiêu chuẩn và phần lớn các tỉnh chưa đạt chuẩn. Do vậy theo đề xuất của Bộ Nội vụ, Việt Nam cần có việc sáp nhập này.

Mục tiêu sáp nhập để phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển và thêm nguồn lực, sự tương trợ để cả đất nước cùng phát triển, ông Quốc Anh cho hay.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn với hơn 500 môi giới, kinh tế địa phương là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến nền kinh tế và thị trường bất động sản khi sáp nhập tỉnh, tiếp đến là đầu tư công và xuất nhập cư.

Mục tiêu của sáp nhập nhằm để tăng trưởng kinh tế địa phương dẫn đến tăng trưởng kinh tế cả nước, đây cũng là cốt lõi quan trọng để giá bất động sản bền vững.

“Một kinh tế địa phương tăng trưởng kinh tế vững, ổn định thì thu nhập của người dân có xu hướng tăng. Khi đó, người dân sẽ có khả năng chi trả cho các dịch vụ tiêu dùng tốt hơn, khi có điều kiện tốt hơn, người dân sẽ dành thu nhập đó để đầu tư bất động sản.

Bản chất những địa phương nào có nền kinh tế tăng trưởng tốt thường giá bất động sản khá ổn định và tăng trưởng bền vững”, ông Quốc Anh chia sẻ.

Tóm lại, mức độ quan tâm và kỳ vọng lớn của thị trường bất động sản với sáp nhập tỉnh là cơ hội để đẩy mạnh đầu tư công cho hạ tầng, kinh tế khu vực; chính sách mới để kết nối, bổ trợ kinh tế, xã hội; cũng như tối ưu chi phí quản lý công.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều thách thức lớn trong tương lai như cần quản lý thị trường bất động sản, tránh sốt đất không bền vững; khác biệt về xã hội, văn hóa tại địa phương; hay chênh lệch phát triển kinh tế 2 khu vực, khó bổ trợ và tạo động lực tăng trưởng chung.

Còn sớm để đánh giá ảnh hưởng thuế quan đến bất động sản

Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định việc thuế quan ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Bởi kim ngạch xuất nhập khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của GDP, đặc biệt xuất khẩu chiếm tới 87% trong tổng GDP của Việt Nam.

Xuất khẩu tại thị trường Mỹ chiếm 30% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy gần 27% GDP của Việt Nam ảnh hưởng đến việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, sau ngày 10/04, đã có nhiều thông tin tích cực hơn, thuế đối ứng được hoãn trong vòng 90 ngày, hiện tại mức thuế đối ứng của Việt Nam tăng thêm 10% với tổng là 14.6% tích cực hơn rất nhiều so với mức 46% trước đó.

Ông Quốc Anh cho rằng vẫn còn sớm để đánh giá thay đổi thuế quan ảnh hưởng ra sao đến thị trường bất động sản vì chưa có đủ cơ sở. Thứ nhất, nếu đánh giá cần phải chốt được mức thuế đối ứng, sau đó tiến hành so sánh mức thuế của Việt Nam với các nước đối thủ trong từng ngành hàng khác nhau.

Thứ hai, về dịch chuyển các khu công nghiêp và dòng vốn FDI, theo ông Quốc Anh, việc dịch chuyển này không hề đơn giản khi chi phí xây dựng nhà xưởng, móc móc trang thiết bị không hề nhỏ, việc dịch chuyển sẽ không thể trong một sớm một chiều.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định tự do thương mại với nhiều các nền kinh tế khác nhau, việc dịch chuyển sang quốc gia khác có thể không nằm trong các hiệp định như Việt Nam thì sẽ không có lợi thế bằng.

Thứ ba, các chi phí liên quan đến vận chuyển, nhân công nếu so sánh với Việt Nam thì các nước khác chưa chắc đã tốt hơn.

Nguồn: Batdongsan.com.vn

Thanh Tú

FILI

– 16:13 11/04/2025

Source