Người trẻ nên thuê hay mua nhà?
Theo ông Phạm Lâm – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Trưởng Đại diện tại TPHCM, người trẻ không nhất thiết phải mua nhà ngay thời gian đầu mà có thể thuê nhà trong vòng 5-10 năm, rồi hãy tính tới việc mua nhà. Với mặt bằng giá hiện nay, việc mua nhà tại TPHCM đối với phần lớn người trẻ là một bài toán khó.
Tại tọa đàm “Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ” diễn ra sáng 03/04, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết nhà ở giá rẻ gồm nhà ở xã hội (NOXH) và nhà ở thương mại giá rẻ. Trng đó, NOXH có giá tốt hơn do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tín dụng, được miễn tiền sử dụng đất, còn nhà ở giá rẻ không có cơ chế đó.
“NOXH hiện nay cũng không còn rẻ như trước, so với nhà ở thương mại cùng loại chỉ chênh nhau khoảng 15%”, ông Châu nhận định.
Xã hội đang có xu hướng sống lâu hơn, ông Châu đề xuất người trẻ nên được giới hạn độ tuổi từ 45 tuổi trở xuống thay vì 35 tuổi như hiện nay và nhà giá rẻ không nên chỉ bán cho người trẻ, mà cho cả người tạo lập căn nhà đầu tiên.
Tuy vậy, ông Châu cho rằng người trẻ hay nhảy việc nay đây mai đó nên dẫn tới xu hướng người trẻ đi thuê nhà để ở chứ không mua nhà. Ở các nước phát triển trên 80% là ở nhà thuê vì quan điểm của các nước phát triển là đời nào lo đời đó.
Về chi phí, hiện chi phí thuê nhà trọ của công nhân lao động chiếm khoảng 20% tổng thu nhập, nếu cao hơn sẽ phá vỡ tính an toàn của người lao động.
Tóm lại, xu thế của người trẻ hiện nay là thuê nhà và nhu cầu mua nhà cũng lớn với tầm giá dưới 3 tỷ đồng nhưng hiện thị trường TPHCM vắng bóng phân khúc giá này.
Đối với nhà ở giá rẻ, NOXH, trong Dự thảo Nghị quyết dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5 tới, có nhiều cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục hành chính trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, cấp giấy phép xây dựng… Ông Châu mong muốn Chính phủ giao cho Sở Xây dựng phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án NOXH.
![]() ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) |
Nguồn cung đang quá ít
Theo ông Châu, giá nhà đang tăng phi mã trên thị trường do nguồn cung quá ít trong khi nhu cầu lớn. Qua khảo sát nhu cầu, TPHCM cần 200 ngàn căn NOXH nhưng hiện chỉ có khoảng 6 ngàn căn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ cũng điều chỉnh mục tiêu hoàn thành NOXH của TPHCM và Hà Nội tới năm 2030 mỗi thành phố là 100 ngàn căn để giải quyết vấn đề này.
Bằng chứng trong năm 2024, TPHCM chỉ được phép mở bán nhà ở hình thành trong tương lai 1,611 căn và toàn bộ là phân khúc cao cấp, không có phân khúc vừa túi tiền; trong khi đó, 2017 là năm cao nhất tới 44 ngàn căn được mở bán.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2025/NĐ-CP về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại có hiệu lực từ đầu tháng 4/2025.
Ông Châu thông tin, hiện có 343 khu đất với diện tích là 1,913ha đăng ký tham gia dự án thí điểm trên địa bàn TPHCM. Nếu tháo gỡ được 343 dự án này, chỉ tính trung bình một dự án là 2 ngàn căn sẽ có khoảng 680 ngàn căn được cung cấp ra thị trường, đây là con số rất lớn để tháo gỡ các dự án bị trùm mền, tăng nguồn cung và kéo giảm giá nhà xuống.
Ngoài ra, Nghị định 76/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa với 64 dự án được tháo gỡ. Riêng Đà Nẵng nhiều nhất với 49 dự án, Khánh Hòa 11 dự án, còn lại là TPHCM.
Chủ tịch HoREA cũng cho biết hiện có 1,533 dự án trên cả nước đang bị vướng mắc, trong đó gồm một số dự án đầu tư công. HoREA sẽ đề xuất áp dụng Nghị quyết 170 cho các địa phương có dự án tương tự để tháo gỡ hơn 1.5 ngàn dự án, từ đó tăng được nguồn cung, chống được sự lãng phí đất đai và tài sản của Doanh nghiệp đã đổ vào dự án. Từ đó, tạo cú hích cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Với phân khúc nhà ở giá rẻ tạo điều kiện cho người mua nhà, đặc biệt là nguời trẻ.
Thí điểm về chính sách NOXH
Ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản từ cuối năm 2024, đặc biệt là đầu năm 2025 có sự phục hồi và phát triển tương đối tích cực nhờ các chính sách tháo gỡ khó khăn của Quốc hội và Chính phủ.
Trong đó, Nghị quyết 171 của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã rất tích cực trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Đặc biệt là ở những khu vực trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại của thị trường bất động sản là nguồn cung NOXH, nhà ở vừa túi tiền cho người lao động và người trẻ vẫn còn rất hạn chế. Cùng với đó, để đẩy mạnh NOXH, nhà ở giá rẻ, bên cạnh các chính sách ưu đãi thì cần có nguồn vốn hỗ trợ.
Ngoài gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập quỹ nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ.
“Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ, Quốc hội nghị quyết thí điểm về chính sách NOXH, trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, triển khai NOXH. Đặc biệt, sẽ rút ngắn thời gian chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Việc phát triển NOXH, nhà ở giá rẻ cho người trẻ đang được Chính phủ quan tâm” ông Dũng nói.
“Người chưa có nhà ở” quan trọng hơn là người trẻ
Ông Phạm Lâm – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Trưởng Đại diện tại TPHCM chia sẻ hành trình của một người, phần lớn sẽ thuê nhà trước rồi mới tới mua nhà. Với người trẻ, không nhất thiết phải mua nhà ngay thời gian đầu mà có thể thuê nhà trong vòng 5-10 năm, rồi hãy tính tới việc mua nhà. Với mặt bằng giá hiện nay, việc mua nhà tại TPHCM đối với phần lớn người trẻ là một bài toán khó.
![]() Ông Phạm Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Trưởng Đại diện tại TPHCM |
Theo ông Lâm, người trẻ có lối sống khác, không cần phải sống trong thành phố mà có thể ở xa trung tâm 30-40km. Khi đó, người trẻ vẫn có thể làm việc ở trung tâm nhưng sinh sống tại những khu vực có chi phí sinh hoạt hợp lý hơn, mà vẫn đảm bảo chất lượng sống.
Quan trọng hơn, cần phân tách để rõ hơn ai là người đủ điều kiện mua với chính sách ưu đãi, đúng đối tượng, thay vì chỉ dựa vào yếu tố độ tuổi. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và quy định chặt chẽ để tránh tình trạng trục lợi chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thực sự cần.
Đây là một quá trình dài hạn, với lộ trình rõ ràng, những chính sách sát thực tế, hướng đến đúng đối tượng thì hoàn toàn có thể từng bước tháo gỡ những khó khăn, hướng tới một chính sách nhà ở hiệu quả và bền vững hơn.
Ông Lâm cũng lưu ý nhà ở thương mại dành cho người trẻ nên cân nhắc lại tên gọi “nhà ở giá rẻ”, bởi cụm từ này nghe không tích cực, không hấp dẫn và thậm chí có thể làm giảm động lực sở hữu nhà. Quyền sở hữu bất động sản là một điều quan trọng đối với mỗi người, và tên gọi cũng cần phản ánh được giá trị của loại hình nhà ở này.
Vì vậy, nên có quy định hoặc định hướng cụ thể hơn về cách gọi phù hợp. Bên cạnh đó, khi bàn đến đối tượng thụ hưởng, không nên chỉ giới hạn ở người trẻ, vì đây là một khái niệm có nhiều cách hiểu khác nhau và thiếu tính bao quát.
Với “người chưa có nhà ở” nhóm này quan trọng hơn là người trẻ – không có lý do gì nguời trẻ lại được ưu tiên hơn người chưa có nhà. Cái khó khăn của người chưa có nhà là về nguồn vốn, đặc biệt là lãi vay.
Thanh Tú
FILI
– 16:33 03/04/2025